Site icon 789WIN

Theo dòng thời sự: Tự tin tiến vào kỷ nguyên mới

Theo dòng thời sự: Tự tin tiến vào kỷ nguyên mới - Ảnh 1.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định chính trị, trật tự xã hội, không ngừng phát triển kinh tế – xã hội, phát huy vai trò và vị thế của mình ở khu vực và quốc tế. 

Đây không chỉ là nhận định của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Sri Lanka G. Weerasinghe mà còn là ý kiến chung của nhiều chính khách, học giả nước ngoài, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII kiện toàn chức danh Tổng Bí thư.

Chia sẻ với các phóng viên TTXVN, nhiều chính khách, học giả nước ngoài đều cho rằng việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu Chủ tịch nước Tô Lâm giữ chức Tổng Bí thư, với số phiếu tuyệt đối 100% đã thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động trong cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, cũng như sự tín nhiệm tuyệt đối với tân Tổng Bí thư. Thông qua cam kết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài phát biểu nhậm chức, có thể thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa và phát huy di sản của các thế hệ lãnh đạo trước đây, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo truyền thống cách mạng Việt Nam.

Lấy dẫn chứng bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, ông Kyril Whittaker, nhà nghiên cứu chính trị, lịch sử Việt Nam và đảng viên Đảng Cộng sản Anh (CPB), nhấn mạnh bài viết đã khuyến khích Đảng duy trì truyền thống cách mạng, tiếp tục giữ gìn sự đoàn kết – như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh – kiên định chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối Đổi mới của Đảng lấy nhân dân làm trung tâm. Trong khi đó, Giáo sư Archana Upadhyay, trường Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), cho rằng vai trò tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc vận dụng sáng tạo và phát huy chủ nghĩa Marx – Lenin, được truyền cảm hứng với sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo kế nhiệm Người, sẽ tiếp tục định hướng, định hình nền chính trị và các mục tiêu tương lai của Việt Nam nhằm xây dựng “một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”. 

Trong suốt chặng đường dài 79 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đoàn kết đồng lòng, đưa cách mạng Việt Nam giành nhiều thắng lợi, từ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đến thực hiện thành công công cuộc Đổi mới, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Italy Mauro Alboresi khẳng định nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – vốn đang ngày một lớn mạnh, biết cách thích ứng linh hoạt với mọi tình hình đặt ra và thể hiện đầy đủ phẩm chất, bản lĩnh trong hành động, lấy dân làm gốc – đất nước Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, được cộng đồng quốc tế chú ý và đánh giá cao. 

Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. Hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang thuộc nhóm dẫn đầu trên thế giới, mà Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), coi Việt Nam là “ngôi sao sáng đang phát triển nhanh của kinh tế thế giới”. Trong điện chia buồn về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần tháng 7 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, giúp hàng triệu người thoát cảnh nghèo đói, cải thiện cuộc sống của phần lớn người dân và đang hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao. Bên cạnh đó, các chính sách của Việt Nam đã giúp tăng cường hệ thống y tế, cải thiện cuộc sống và sức khỏe của người dân.

Lý giải động lực giúp Việt Nam đạt được “quốc thái dân an”, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, ông Mourad Lamoudi, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương phụ trách quan hệ đối ngoại của đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria (FLN), nhận định việc Việt Nam lựa chọn con đường phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tức là trong khuôn khổ công bằng xã hội vì lợi ích của toàn thể người dân Việt Nam chứ không phải phục vụ cho cá nhân hay một tầng lớp cụ thể nào, đã thực sự đáp ứng được những khát vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Việt Nam một mặt vừa xây dựng chính sách quy hoạch phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của đất nước, mặt khác tích cực phát triển hợp tác kinh tế với các nước láng giềng, các nước lớn và các nền kinh tế quan trọng khác trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Liên minh châu Âu… Chính vì thế, Liên hợp quốc (LHQ) và bạn bè quốc tế đều xem Việt Nam – quốc gia luôn lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu, là câu chuyện thành công, điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. 

Trong bối cảnh Việt Nam bước vào thời kỳ mở cửa kinh tế mạnh mẽ hơn, các nhà lãnh đạo của Việt Nam, đặc biệt là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã kiên quyết đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến chống tham nhũng, qua đó củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, cũng như sự tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo phương châm không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, được kỳ vọng giúp môi trường đầu tư ở Việt Nam ngày càng minh bạch, lành mạnh, mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư, góp phần quan trọng trong việc định hình tương lai của Việt Nam, xây dựng một xã hội minh bạch, có trách nhiệm và công bằng hơn.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên câu chuyện thành công của Việt Nam – đó là đường lối “ngoại giao cây tre”, đã được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết và được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, tiếp nối qua 5 vấn đề ưu tiên trong đối ngoại. Các chuyên gia đều cho rằng trong bối cảnh thế giới phân cực, việc Việt Nam đưa ra chính sách “ngoại giao toàn diện, đa hướng và cân bằng”, củng cố và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và các nước khác, đồng thời lãnh đạo ngoại giao đa hướng, đã giúp quốc gia hình chữ S này gặt hái được nhiều thành công. Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, các nước lớn, và là đối tác tin cậy, thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Như đánh giá của Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia: “Việt Nam đã tạo ra một mạng lưới quan hệ chính trị – ngoại giao rộng khắp, nhiều mặt với tất cả các nước lớn và các tổ chức đa phương quan trọng trên toàn cầu. Điều này đã giúp Việt Nam có được uy tín, vị thế cao trên cộng đồng quốc tế và hỗ trợ phát triển kinh tế của Việt Nam”. 

Trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là sự kiên định trong việc phát huy truyền thống của Đảng, giữ vững đạo đức cách mạng, lấy dân làm gốc, Tiến sĩ Ruvislei González Saez, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam, cùng nhiều chuyên gia quốc tế khác tin tưởng Việt Nam có đủ điều kiện để đạt được các mục tiêu của mình và trên hết là đạt đến những giai đoạn phát triển mới. Trong phát biểu mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng khẳng định rằng với việc “phát huy tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, lấy đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng làm động lực, huy động mạnh mẽ sức dân, gắn kết chặt chẽ ý Đảng với lòng dân làm nền tảng, nhất định “Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, không ngừng phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa duy trì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới”.

Exit mobile version