Site icon 789WIN

Hơn 25 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới: Thầy – trò hân hoan ngày tựu trường

Hơn 25 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới: Thầy - trò hân hoan ngày tựu trường - Ảnh 1.

Sáng 5/9, học sinh các cấp học từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo háo hức đến trường, bắt đầu một năm học mới. Lễ khai giảng được tổ chức đồng loạt ở các trường học trên cả nước trong không khí hân hoan, rực rỡ cờ hoa và những trang phục đầy màu sắc.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chung vui cùng nhà trường, học sinh

Nhân dịp khai giảng năm học mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có thư gửi ngành Giáo dục. Trong thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Năm học mới 2024-2025 là năm học đầu tiên thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở tất các các lớp từ lớp 1 đến lớp 12, tôi mong ngành Giáo dục cần tập trung thực hiện tốt chủ đề năm học đã đề ra là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Giáo dục và đào tạo cần tiếp tục hướng đến phát triển con người và hạnh phúc của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ tin tưởng: “Các em học sinh, sinh viên, học viên sẽ nỗ lực học tập, tu dưỡng, tiếp thu và làm chủ kiến thức, hình thành những năng lực cốt lõi, tạo dựng những khát vọng lớn lao để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong “các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục luôn tâm huyết, yêu nghề, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cao quý của mình”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đề nghị “các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp uỷ Đảng, chính quyền chăm lo hơn nữa sự nghiệp giáo dục bằng các quyết sách kịp thời, thiết thực và đúng đắn để các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, sinh viên, học viên được giảng dạy, học tập trong một môi trường lành mạnh và đầy đủ các điều kiện để phát huy năng lực sáng tạo, thực hiện thành công công cuộc đổi mới của giáo dục nước nhà”.

Trong sáng 5/9, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự, chung vui cùng nhà trường, học sinh trên toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã tới chúc mừng thầy và trò Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự lễ khai giảng tại Trường Trung học Phổ thông Phạm Hùng (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thăm và dự khai giảng tại Trường Trung học Cơ sở Trừ Văn Thố (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm Trường Mầm non Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham dự lễ khai giảng cùng thầy – trò Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Phương (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã tới chúc mừng và dự lễ khai giảng tại Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tuân Đạo (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình);….

Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lễ khai giảng năm học mới ở các trường được tổ chức gọn nhẹ, an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các hoạt động trong phần lễ gồm: Chào cờ, hát Quốc ca; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc thư của Chủ tịch nước nhân dịp năm học mới và đánh trống khai trường. Nhiều trường học trên cả nước đã sáng tạo các hoạt động mới lạ, với tinh thần lấy học trò làm chủ thể của buổi lễ, tạo cho các em không khí vui tươi, phấn khởi để lưu lại những ký ức đẹp về ngày khai trường.

Năm học mới – kỳ vọng mới

Trong niềm vui chung của thầy và trò cả nước, cô Nguyễn Thị Hằng Nga, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Cứ mỗi lần chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới, tôi luôn có một cảm xúc thật đặc biệt, vừa hồi hộp vừa ngóng chờ mặc dù đó là việc tôi vẫn thường làm hàng năm. Trong mấy ngày nghỉ lễ, tôi tỉ mẩn chỉnh lại những chiếc cờ hoa, làm từng món quà để tặng các con trong ngày tựu trường đầu tiên ở cấp Tiểu học. Chỉ cần nghĩ đến những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên với đầy sự bỡ ngỡ của học trò khi chập chững bước chân vào ngôi trường mới, lòng tôi đã cảm thấy hạnh phúc rồi”.

Bước sang năm thứ 5 dạy chương trình mới cho học sinh lớp 1, cô Hằng Nga cho biết: Việc sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại, tích cực không chỉ giúp học sinh cảm thấy hào hứng trong mỗi giờ học mà còn giúp các con tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn. Khi áp dụng chương trình mới, học sinh được học tập, giáo dục để phát triển hài hòa cả nhân cách, trí tuệ, tâm hồn, thể chất, trong đó việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của trẻ được chú trọng ngay từ lớp 1. Nhờ đó, học sinh chủ động hơn trong việc học, tự tin hơn khi tham gia vào các hoạt động học tập và giao tiếp.

Thầy Phạm Ngọc An, giáo viên Âm nhạc, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Hưng Đạo (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) bày tỏ: Năm học mới đến với khá nhiều những điều mới mẻ, như việc tăng lương cơ bản là niềm vui của các thầy cô giáo khi đã phần nào giảm bớt được khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Cùng với đó, đổi mới giáo dục phổ thông đang đi vào bước hoàn thiện. Sau những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, giáo viên đã và đang từng ngày đổi mới trong từng tiết dạy, từng bài giảng. Song, vấn đề còn khá bất cập hiện nay, cần có giải pháp để khắc phục trong thời gian tới là việc thừa – thiếu giáo viên ở một số phân môn khiến giáo viên phải dạy trái môn, tăng tiết hoặc luân phiên đi dạy biệt phái, tăng cường… gây áp lực không nhỏ tới chất lượng giáo dục và tâm lý của các thầy, cô.

Tính đến tháng 8/2024, cả nước có 25.255.251 học sinh, sinh viên; trong đó, số học sinh phổ thông là 23.186.729 em. Tổng số cơ sở giáo dục là 53.979. Tổng số giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động trong toàn ngành là 1.659.589 người.

Chia sẻ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Giáo dục trong năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu ngay và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở đó, ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ một cách bài bản, khoa học, phù hợp tinh thần thực tiễn, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả.

Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục sẽ hoàn thành chu trình đầu tiên tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới; tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế, thực chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá – hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.

Ngành sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo. Đặc biệt sẽ dành ưu tiên nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo – dự án Luật sẽ giải quyết được một trong những vấn đề mấu chốt nhất của giáo dục, đó là phát triển đội ngũ nhà giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, cố gắng vượt qua những thách thức, hướng tới một năm học có kết quả tốt hơn nữa.

Exit mobile version