Site icon 789WIN

Họa sĩ Đỗ Đức – nặng tình với núi

Họa sĩ Đỗ Đức - nặng tình với núi - Ảnh 1.

Chiều qua,

1. Dường như mỗi nghệ sĩ đều có những vùng đất của riêng mình. Điều đó thể hiện rất rõ nét ở các ngành nghệ thuật như văn học, âm nhạc và nhất là hội họa. Các nghệ sĩ hầu như tự hình thành trong mình những nẻo đường tư duy có nguồn gốc dày dặn từ những vùng đất ấy.

Họa sĩ Đỗ Đức không phải là ngoại lệ. Có khác chăng là tác phẩm của ông hầu như gắn kết máu thịt với núi rừng đến suốt đời. Nơi ông sinh ra và lớn lên là vùng rừng núi huyện Đại Từ – Thái Nguyên. Ngạc nhiên thay, đó lại không phải là quê hương bản quán lâu đời của ông. Nguyên quán của ông ở làng Ninh Hiệp (Nành) thuộc phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh. Một làng quê Bắc bộ lâu đời có truyền thống buôn bán làm ăn nổi tiếng khắp cả nước.

Đỗ Đức bắt đầu đến với hội họa từ nơi mình sinh ra và lớn lên ở Việt Bắc. Khi về Hà Nội học Đại học Mỹ thuật, ông đã là cán bộ của NXB Văn hóa dân tộc. Cũng lại là một mối lương duyên làm cho nhận thức và cảm xúc của ông với núi rừng không hề bị đứt đoạn.

Những năm tháng bao cấp khó khăn, chàng họa sĩ Đỗ Đức của nhà xuất bản phải tự rèn luyện cho mình một tác phong làm việc có một không hai trên đời. Đó là xén nhỏ những tờ giấy dó ra có mảnh chỉ bằng bao diêm, xếp trong ngăn bàn làm việc mà vẽ. Đó là công việc kiếm sống chính của ông. Tuy nhiên, ý thức kỉ luật lao động vẫn phải giữ vững. Ông không dám công khai việc mình làm “vụng” trong cơ quan, “tranh thủ” giờ giấc của một viên chức.

Những bức tranh nhỏ ngoài việc nuôi sống cả gia đình ông được vẽ trong hoàn cảnh như vậy hóa ra lại là những bài học hết sức bổ ích cho việc sáng tác sau này. Ông có thời gian nhiều năm liền nghiên cứu kĩ càng cả trong thực tế và lục tìm trong kí ức những cảnh sắc sinh hoạt núi rừng. Tất cả được thu nhỏ trong những bức tranh giấy dó rất tinh vi, tỉ mỉ. Cho đến về sau này, khi in cuốn sách Trang phục và nét văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam vẫn còn khá nhiều bức vẽ được dùng làm minh họa rất sống động. Cuốn sách đã được giải thưởng Sách Quốc gia.

2. Ở tuổi 80, ông lại một lần nữa gây kinh ngạc cho các đồng nghiệp bằng một triển lãm bề thế với những bức sơn dầu khổ lớn. Tất cả vẫn là những tác phẩm vẽ về núi rừng và sinh hoạt của đồng bào thiểu số. Có thể nói cảm xúc và tình yêu với núi rừng của ông chưa hề vơi cạn.

Cũng đúng thôi, cho đến tận bây giờ ông vẫn chưa khi nào bỏ lỡ một dịp quay lại vùng núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc. Những chuyến đi không chỉ là để lấy thêm tài liệu hình ảnh mà hình như kết quả của nó luôn là hâm nóng lại ham muốn khám phá những nét đẹp của núi rừng.

Ở triển lãm lần này không khó để người xem nhận ra những tác phẩm khác biệt có độ khái quát cao. Ông tập trung vẽ khá nhiều về núi đá. Có thể gọi như là bức chân dung tổng thể của vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Đá xám xanh. Đá sắc lạnh. Những vũm đá mọc lên vài chồi ngô non nghèo đói và bất khuất. Những ai từng đi qua cao nguyên đá Đồng Văn đều có chung cảm giác này.

Đó không chỉ là bức chân dung đơn thuần của đá. Nó chính là biểu tượng của tình cảm sẻ chia với bà con vùng cao.

Những bức tranh của Đỗ Đức như những bài thơ trên đá: Nắng trên dãy Hồng Ngài, Sương sớm rẻo cao, Sườn phía tây Sơn Vĩ, Huyền thoại Khau Vai, Tháng Ba ở Xín Cái… Đó là những cổ tích cao nguyên nằm trong từng viên đá, hốc cây, ngọn cỏ… rồi được họa sĩ tái hiện lại trong tranh.

Họa sĩ Đỗ Đức xác lập phong cách sáng tác của mình gắn với rừng thẳm, sông dài, cao nguyên đá trùng điệp. Đỗ Đức dành trọn triển lãm này cho núi và đá, với các chủ đề về nương đá, ngựa và không gian sống trên cao nguyên đá, chợ vùng cao và con người miền sơn cước qua hình ảnh người mẹ. Tất cả các tác phẩm đều gắn bó với núi rừng. Đó là quê hương nghệ thuật của ông.

Exit mobile version